Nhiều người bị đái tháo đường type 2 hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh này cho rằng tiêu thụ mật ong tốt hơn so với chất làm ngọt khác. Thực tế có đúng như vậy hay không?
Đái tháo đường là một bệnh đặc trưng bởi lượng đường trong máu tăng cao. Một trong những biện pháp giúp kiểm soát đường huyết là người bệnh đái tháo đường phải theo dõi và quản lý lượng carbohydrate nạp vào để giúp kiểm soát lượng đường trong máu một cách tối ưu.
Đường là một loại carbohydrate mà nhiều người mắc bệnh đái tháo đường thường rất dễ nạp vào nhiều hơn khuyến nghị do đó họ rất muốn kiểm soát nó. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều loại đường khác nhau và những người mắc bệnh đái tháo đường thường cho rằng đường nào càng tự nhiên thì đường đó càng tốt cho người đái tháo đường như trái cây, mật ong… Chính vì lý do này, mật ong hiện nay đang bị nhiều người đái tháo đường sử dụng sai cách, thậm chí lạm dụng.
Mật ong được xếp vào nhóm đường hấp thu nhanh.
ThS. BS. Đặng Ngọc Hùng – Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng cho biết: Về bản chất, mật ong được xếp vào nhóm đường hấp thu nhanh vì chứa chủ yếu là đường: fructose, sucrose, glucose giống với đường mía, trái cây nhưng mật ong có thêm một số vitamin do con ong trong quá trình hút mật có hấp thu từ phấn hoa, cây cỏ… nhưng lượng này không nhiều.
Mật ong là chất ngọt tự nhiên do ong mật tạo ra từ mật hoa. Nó được cấu tạo chủ yếu từ nước và 2 loại đường fructose và glucose. Trong mật ong có từ 30- 35% glucose và khoảng 40% fructose.
Các thành phần còn lại là các loại đường khác và một lượng nhỏ (khoảng 0,5%) vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Mỗi thìa mật ong chứa khoảng 17 gam carbohydrate và 60 calo.
Trong khi đó, đường trắng truyền thống hay gọi là đường sucrose (loại đường được tách ra chủ yếu từ mía đường hay củ cải đường) được tạo thành từ sự kết hợp giữa glucose và fructose. Đường trắng chứa 13 gam carbohydrate mỗi muỗng canh, hầu như không có vitamin và khoáng chất.
1. Mật ong có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu?
Để biết một loại thực phẩm có chứa tinh bột hoặc đường nào đó gây tác động tăng đường huyết trong thời gian ngắn, chúng ta thường dùng chỉ số đường huyết ( GI ), chỉ số này càng cao thể hiện tốc độ tăng đường huyết càng lớn và ngược lại. Chỉ số này hiện đang được chia làm 3 mức. Chỉ số đường huyết thấp: < 55 - chỉ số đường huyết thấp, 56 - 69 - chỉ số đường huyết trung bình, > 70 – chỉ số đường huyết cao.
Mặc dù, hiện nay có nhiều loại mật ong khác nhau nhưng chỉ số đường huyết (GI) của mật ong là 58, trong khi chỉ số GI của đường là 60. Nghĩa là cả 2 thực phẩm trên đều nằm ở mức trung bình và không chênh lệch nhau về tốc độ làm tăng đường huyết.
Người bệnh đái tháo đường nên theo dõi sát chỉ số đường huyết.
2. Mật ong và insulin
Insulin là một loại hormone được tạo ra trong tuyến tụy giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Khi lượng đường trong máu bắt đầu tăng, một tín hiệu được gửi đến tuyến tụy để giải phóng insulin phù hợp để giữ đường huyết ổn định.
Insulin sau đó hoạt động như một chiếc chìa khóa và mở ra thụ thể trên các tế bào để glucose di chuyển từ máu vào các tế bào để sử dụng để tạo năng lượng. Trong quá trình này, lượng đường trong máu thường được kiểm soát ở mức bình thường.
Trong một nghiên cứu nhỏ trên những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 và những người không mắc bệnh đái tháo đường, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mật ong ít ảnh hưởng hơn đến lượng đường trong máu ở tất cả những người tham gia so với đường sucrose. Ở nhóm sử dụng mật ong, nhóm nghiên cứu thấy, việc gia tăng C-peptide – được coi là dấu hiệu tốt của bài tiết insulin từ tuyến tụy. Tuy nhiên cần nhiều bằng chứng hơn nữa mới có thể có những khuyến nghị xa hơn.
3. Người bệnh đái tháo đường có nên sử dụng mật ong?
Mật ong ở mức vừa phải có thể có lợi cho những người mắc bệnh đái tháo đường hơn so với đường trắng. Nhưng cũng giống như bất kỳ chất làm ngọt nào khác, mật ong cần được tiêu thụ vừa phải do khả năng làm tăng lượng đường trong máu.
Nếu bệnh đái tháo đường của bạn không được kiểm soát tốt, tốt nhất bạn nên hạn chế tiêu thụ mật ong. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn trước khi thêm mật ong vào chế độ ăn uống.
Có một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mật ong kích thích phản ứng insulin lớn hơn các loại đường khác. Vì điều này, một số người đã suy đoán rằng mật ong thực sự tốt cho những người bị bệnh đái tháo đường – và thậm chí có thể ngăn ngừa bệnh đái tháo đường.
ThS. BS. Đặng Ngọc Hùng khuyến cáo: Đối với người đái tháo đường, dùng mật ong nhiều cũng gây tăng đường huyết nhanh nên người đái tháo đường cũng nên cẩn thận. Đối với người bình thường nên hạn chế đường hấp thu nhanh và cũng không nên dùng nhiều mật ong.
Mật ong có thêm một số vitamin do hấp thu từ phấn hoa nhưng lượng này không nhiều, bạn sẽ cần tiêu thụ nhiều hơn mức khuyến cáo để có thể nhận được lượng vitamin đáng kể. Do vậy, bạn không nên tiêu thụ một lượng lớn mật ong chỉ để bổ sung vitamin và khoáng chất, vì chắc chắn lượng mật ong nhiều sẽ ảnh hưởng hơn đến lượng đường trong máu.
Người mắc bệnh đái tháo đường nên tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh tổng thể. Thường xuyên thực hiện chế độ ăn giàu chất xơ từ rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và các loại đậu sẽ giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu.